Hướng dẫn cách thả cá mới vào bể để cá không chết
Last Updated on 28/12 by Askoi
Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp thả cá mới mua về trong bể mới chỉ một vài ngày là thấy cá có biểu hiện không bơi lội, trú vào một góc, khoảng 1 tuần sau cá bắt đầu chết dần. Khi đó, nước hồ bị ô nhiễm và chỉ một khoảng thời gian nữa lượng cá trong bể không còn đáng kể.
Tất nhiên nguyên nhân có khá nhiều nhưng tôi sẽ tóm lược lại vài cách xử lý đơn giản, khá hiệu quả với đa số trường hợp.
Nội dung chính có trong bài:
1. Khử lượng xi măng tồn dư nếu hồ xây bằng xi măng
Một trong những nguyên nhân khiến cá koi chết sau khi thả vào hồ đó chính là hồ tồn dư xi măng nhiều. Xử lý vấn đề này bằng cách sau:
Hồ xi măng mới tô xong bạn phải để cho thật khô ít nhất 5 ngày. Trong những ngày ngày này không mưa, phải nắng lớn. Bạn dùng máy hút bụi hút sạch vôi vữa còn rơi vãi, sau đó bạn mua chanh ( khoảng 1 hay 2 ký ) cắt lát ra chà đi chà lại hết lòng hồ, rồi xịt nước rửa. Tác dụng của chanh là tẩy rửa, sát trùng… Tiếp theo xả sạch nước chanh, dùng bàn chải cọ hồ. Hoặc bạn cũng có thể tiến hành đánh muối, tỷ lệ 3kg muối hạt /1m3 nước.
Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng phèn chua để ngâm bể khoảng 1 tuần. Cách này sẽ giúp làm sạch bể, làm sạch những vết xi măng còn sót lại. Sau thời gian ngâm bể, bạn tiến hành xả hết nước rồi dùng nước sạch rửa bể, ngâm tiếp trong vài ngày. Sau đó, bạn tháo nước, rửa lại một lần nữa trước khi chính thức bơm bước mới, bón vôi để ổn định pH. Cuối cùng vận hành hệ lọc khoảng 1 ngày là có thể thả cá vào hồ mới.
Những vấn đề xử lý bể sẽ được trình bày chi tiết trong bài Hồ cá Koi xi măng, bạn có thể tham khảo thêm.
2. Kiểm tra pH nguồn nước trước khi thả cá
Mỗi cửa hàng, mỗi trang trại đều nuôi cá trong bể, hồ chứa với điều kiện nồng độ pH nhất định, giúp cá koi có thể sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Khi mua cá nên hỏi và nên kiểm tra pH của hồ cá đang nuôi của các cửa hàng đó là bao nhiêu và mình đo lại pH của hồ cá nhà mình đang nuôi để có sự điều chỉnh phù hợp nhất. Tuyệt đối không nên thả cá khi nồng độ pH trong nước chưa được xử lý đảm bảo cân bằng.
Quy trình hòa nước được tiến hành như sau:
Nếu nồng độ pH của hồ tại cửa hàng bán cá và pH của hồ nhà chênh cao quá 1.0 thì buộc phải hoà nước trong vòng 30 phút với các bước sau:
Đổ nước và cá ra thau lớn. Bạn lấy nước 1 thùng nước hồ nhà đổ vào thau cá (lưu ý thùng nước có dung tích bằng phần nước trong bao chứa cá khi mua về), 10 phút lấy thêm 1 thùng nữa, sau 10 phút lấy thêm 1 thùng nữa. Khi hoà được 3 thùng nước như vậy thì lúc đó con cá đã làm quen hoàn toàn với nước hồ của mình.
Việc lấy nước hồ cá nhà để hoà giúp cá có thể thích nghi với môi trường nước mới, không bị sốc pH. Trường hợp sốc pH nhẹ thì làm con cá khó chịu, mệt mỏi. Nặng thì làm con cá bị giảm đề kháng dẫn tới bị vi khuẩn tấn công.
Bạn có thể tham khảo thêm: Cách tăng, giảm nồng độ pH nước hồ cá koi
3. Đánh thuốc cho cá
Trước khi thả cá bạn cần chuẩn bị một số dụng cụ chứa đủ lượng cá để đánh thuốc ở trên bờ trước khi thả xuống hồ. Bạn có thể dùng xô, chậu hoặc thùng xốp. Lưu ý: bắt buộc khi đánh thuốc cho cá bạn cần có sủi khí oxi.
Nhưng, thuốc cho cá mua ở đâu? Câu hỏi khó đối với những người không chuyên. Một mẹo nhỏ tôi muốn mách bạn: bạn ra hiệu thuốc tây mua vài vỉ Tetracyclin về để dùng dần. Thuốc này khá hiệu quả cho việc trị bệnh cho cá.
Số lượng thuốc cần mua: Với bể chứa khoảng 100lit nước bạn đánh khoảng 15 viên là đủ.
Cách đánh thuốc: Bạn cho thuốc vào trong bồn dưỡng bật sủi hoạt động và bắt ra ngâm khoảng 1h. Trong quá trình ngâm bạn nên đứng trực ở đó vì rất có thể cá sẽ nhảy ra ngoài. Sau đó cá bạn bắt từng con thả xuống bể. Chú ý hạn chế cho nước ngâm thuốc xuống bể vì lâu dài nó sẽ làm mất màu nước.
Khi cá mới thả bể thường hay nhảy ra ngoài đặc biệt vào ban đêm, nên bạn cần lưu ý tắt hết đèn chiếu sáng xung quanh bể hoặc bạn có thể dùng lưới thoáng che mặt bể khoảng 1 tuần đầu tiên để cá quen hoàn toàn với môi trường sống.
4. Đảm bảo bộ lọc nước đủ công suất
Điều quan trọng nhất khi nuôi cá koi chính là phải đảm bảo nguồn nước luôn phải sạch. Vì nếu bộ lọc nước công suất quá nhỏ, không đủ để đáp ứng cho hồ thì sẽ làm giảm chất lượng nước mà điều này sẽ đe dọa đến sức khỏe của cá. Nếu bạn nuôi số lượng cá nhiều, cá có kích thước lớn thì cần chú ý chọn bộ lọc nước công suất phù hợp để tạo môi trường sinh trưởng tốt nhất, tránh khiến cá bị bệnh và chết.
Tìm hiểu ngay về các bộ lọc phù hợp cho bể cá Koi Tại đây.
5. Không thả cá với mật độ quá dày
Việc thả cá koi với mật độ quá dày sẽ mang một số nhược điểm lớn như: Cá khó thở do thiếu oxi, dễ bị bệnh, nguồn chất thải trong nước nhiều, cá không có nhiều không gian bơi lội. Đối với cá koi trưởng thành có chiều dài từ 30 cm thì cứ mỗi một mét khối nước bạn có thể thả một con cá. Đối với cá chép koi nhỏ hơn thì có thể thả cá với mật độ dày hơn.
Tham khảo: Mật độ nuôi cá koi bao nhiêu là chuẩn.